Những Làng Nghề Truyền Thống Làm Nên Dáng Hình Hội An
Làng mộc Kim Bồng nằm trên vùng đất Cẩm Kim ngày nay, du khách chỉ mất 10 phút đi thuyền từ phố cổ Hội An qua làng. Vừa đặt chân lên vùng đất này, bạn đã nghe tiếng đục đẽo, khoan cắt vang lên từ hai bờ Đông-Tây. Những âm thanh đó đã trở nên một phần không thế thiếu trong đời sống của người dân bao đời gắn liền với cây gỗ nơi đây.
Đến với mộc Kim Bồng, du khách có thể cảm nhận hình bóng của một Hội An nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế trên các sản phẩm thủ công. Những họa tiết hoa văn trên từng cây cột, cây kèo là hình ảnh cành hoa, cỏ lá mềm mại, uyển chuyển.
Sản phẩm mộc Kim Bồng tuy không được bày bán rộng rãi, nhưng người yêu gỗ xưa nay vẫn tìm đến Kim Bồng để đặt hàng cho một ngôi nhà cổ, một bộ bàn ghế. Và đâu đó trong phố thị Hội An đang trầm mặc cùng năm tháng luôn có bóng hình tài hoa của người thợ mộc Kim Bồng nơi đây.
2. LÀNG GỐM THANH HÀ
Làng gốm Thanh Hà nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, thuộc địa bàn phường Thanh Hà, thành phố Hội An, cách khu phố cổ khoảng 2km về hướng tây. Đến làng gốm Thanh Hà bạn dễ nhận ra bởi từ con đường, góc sân đến mái ngói đều được làm từ đất nung. Một cảm giác thật bình yên với không gian xanh của hàng cau trước ngõ và sản phẩm gốm vừa mới tạo hình xong đang được phơi nắng.
Sản phẩm chủ yếu của người thợ Thanh Hà là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, chậu cảnh, hình thù các con vật... mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác. Có lẽ một phần nhờ đất sét của dòng sông Thu Bồn bồi đắp và bàn tay khéo léo của người thợ Thanh Hà.
Đã nhiều thế kỷ đi qua với bao nét đậm nhạt của màu thời gian, làng gốm Thanh Hà vẫn yên bình bên đôi bờ sông Thu, người thợ Thanh Hà vẫn âm thầm hát khúc hát của đất nung, con lửa bằng đôi bàn tay cần cù bao đời nay...
3. LÀNG ĐÚC ĐỒNG PHƯỚC KIỀU
Với tuổi đời hơn 400 năm, làng đúc đồng Phước Kiều từ ngàn xưa đã gắn bó song hành với con người phố Hội. Những thế hệ nghệ nhân của làng, dẫu có gặp khó khăn trong buổi kinh tế khó khăn, vẫn truyền nhau ngọn lửa nghề của cha ông để lại. Từ những sản phẩm sinh hoạt thường nhật, cho đến các mặt hàng mỹ nghệ cao cấp đều được nghệ nhân Phước Kiều chế tác tinh xảo, đẹp mắt.
Những chiếc cồng, chiên của xứ sở Tây Nguyên cũng có xuất xứ từ ngôi làng này. Kĩ thuật lấy tiếng nhạc khí là nét riêng của làng Phước Kiều, nhờ đó có thể phân biệt nhạc khí nơi đây với những nơi khác. Người thợ Phước Kiều phải có sự từng trải với đôi tai tinh nhạy, cũng như kinh nghiệm cảm nhận âm thanh một cách tinh tế mới chế tác được âm thanh của loại nhạc cụ độc đáo, phù hợp với từng vùng dân tộc.
Vài năm gần đây sản phẩm của làng nghề không chỉ có mặt hầu hết thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường thế giới mang hình ảnh của Hội An đến những vùng đất xa xôi.
Làng rau truyền thống Trà Quế thuộc xã Cẩm Hà (cách trung tâm phố cổ 2km), nổi tiếng từ lâu với nhiều sản phẩm rau được trồng trên đất đai màu mỡ, bón bằng loại rong lấy từ sông Cổ Cò nên có hương vị đặc trưng riêng. Hơn thế nữa, đây còn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Từ xưa đến nay, làng rau Trà Quế nổi tiếng vì có trên 20 chủng loại rau ăn lá và rau gia vị, đặc biệt là có nhiều loại rau không nơi nào thơm ngon bằng như húng, é, tía tô... Khi trộn lẫn các loại rau vào nhau sẽ hội đủ 5 vị cay, chua, ngọt, đắng, chát. Nhờ hương vị đặc biệt ấy mà rau Trà Quế đã góp phần làm nổi tiếng các món ăn dân dã đặc trưng của Hội An: hến trộn, mì Quảng, cao lầu...
Du khách sau những phút giây lang thang bên phố cổ ngàn xưa thường tìm đến Trà Quế. Bên cạnh nhìn ngắm những cánh đồng rau tươi xanh mơn mởn, tìm hiểu công nghệ sản xuất ra giống rau thơm ngon của người làng, du khách còn chung tay với người dân chăm bón, tưới tiêu và thưởng ngoạn một khung cảnh thanh bình, yên ả bên tiếng chim cu gáy vang cả miền làng quê phố Hội.
5. NGHỀ LÀM LỒNG ĐÈN
Những chiếc đèn lồng rực rỡ lung linh ở phố cổ Hội An là hình ảnh gắn liền với đô thị cổ, là một phần tạo nên hình thức, không gian và hồn phố cổ Hội An. Vậy nhưng, nghề làm lồng đèn ở Hội An lại không có một không gian phường hội, một "làng nghề" cụ thể, mà chỉ có các cơ sở sản xuất lâu đời nằm rải rác như: Tuổi Ngọc, Ngọc Thu hay xưởng của nghệ nhân Huỳnh Văn Ba.
Nhìn chiếc đèn lồng trông đơn sơ nhưng để làm nên chiếc đèn lồng xinh xắn, hoàn hảo là cả một quá trình đòi hỏi sự tỉ mẩn, từ khâu thiết kế hình dáng đến chọn nguyên liệu, màu sắc, tranh vẽ và cả kỹ thuật lắp ghép... Người thợ làm đèn lồng phải có lòng yêu nghề và sự say mê sáng tạo mới có thể gởi cả tâm tình vào công việc, thổi hồn vào từng sản phẩm, biến mỗi chiếc đèn lồng thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Cứ chiều buông, khi ánh nắng cuối ngày dần tắt để lộ xa xa một khoảng chân trời đỏ rực thì phố cổ Hội An cũng bắt đầu lên đèn với thứ ánh sáng màu vàng nhẹ, ấm áp và tất cả ánh sáng đó dưới các khung vải đèn lồng khác nhau tạo nên một tổng thể hài hòa như một bức tranh màu sắc vừa chân thực, giản dị và ấm áp.
Ghé thăm những làng nghề truyền thống ở phố cổ Hội An mà Mytour đã giới thiệu có thể sẽ cho bạn cái nhìn mới về mảnh đất yên bình bên dòng nước sông Hoài hiền hòa với những con phố nặng dấu ấn thời gian này. Khi tìm về những làng nghề truyền thống nơi đây, bạn đã chạm vào một phần tâm hồn của Hội An trầm mặc, xưa cổ rồi đấy!